Cách quảng cáo khóa học online toàn tập (P3) – Quảng cáo, Chợ khóa học và Khuyến mãi

1-quang-ba-khoa-hoc-feature

Bài viết thuộc loạt bài “Cách quảng bá khóa học online toàn tập”.

Trong phần 3, chúng tôi sẽ tập trung phân tích ưu, nhược điểm và chia sẻ những mẹo thực hiện hiệu quả 3 phương pháp quảng bá khóa học online còn lại là:

  1. Quảng bá trên các chợ khóa học online
  2. Chạy các chương trình giảm giá
  3. Quảng cáo trực tuyến

Xem lại phần 2: Cách quảng bá khóa học online toàn tập (P2) – Social Media và Email Marketing.

VI – Đăng lên các chợ khóa học online (Edumall, Unica…)

Đăng lên các chợ khóa học trực tuyến là cách quảng bá tiết kiệm và hiệu quả
Đăng lên các chợ khóa học trực tuyến là cách quảng bá tiết kiệm và hiệu quả

Bên cạnh các website học trực tuyến, còn có các chợ khóa học online với hàng trăm ngàn học viên. Các chợ này có vô số khóa học lớn nhỏ thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, được giảng dạy bởi các giảng viên có kiến thức và kinh nghiệm. Thậm chí một số người nổi tiếng và người đã có website dạy học cũng đăng lên và quảng bá khóa học online trên các chợ này, giúp chúng càng nổi tiếng hơn nữa.

1 – Ưu điểm của việc quảng bá trên chợ khóa học online

  • Người học dễ tìm được khóa học ưng ý. Người học thường thích vào các chợ khóa học để chọn ra lớp học cần thiết, hơn là lang thang trên Internet rộng lớn tìm kiếm các website dạy học online.
  • Marketing mạnh mẽ. Các chợ khóa học đầu tư rất mạnh vào đội ngũ marketing, có mặt trên khắp mọi kênh tiếp thị để tìm kiếm người học. Các chương trình giảm giá cũng quy mô lớn và hấp dẫn hơn là các website nhỏ lẻ.
  • Chính sách giới thiệu khóa học “Phổ biến”. Nếu khóa học của bạn có nhiều thành viên, bạn có thể được xuất hiện trong mục “Phổ biến” của chợ. Như vậy sẽ tăng độ nổi tiếng và nhận diện thương hiệu của khóa học lên rất nhiều.
  • Quản lý chặt chẽ, an toàn và bảo mật. Mỗi chợ khóa học đều có hệ thống quản lý học viên và quá trình học tập chặt chẽ, đảm bảo kết quả giảng dạy và học tập. Ngoài ra, quy tắc và phương thức thanh toán học phí cũng rõ ràng, minh bạch và bảo mật hơn, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.
  • Một vài chợ có chủ đề. Hầu hết các chợ có nhiều chủ đề học, nhưng một số chợ lại tập trung vào các mảng nội dung chính. Ví dụ: chợ BrandCamp chỉ dạy những khóa học về marketing, business và creativity. Nếu chủ đề khóa học của bạn phù hợp sẽ có thể tận dụng nhóm đối tượng tiềm năng lớn trên chợ này.

2 – Khuyết điểm của chợ khóa học online

  • Chia sẻ lợi nhuận. Nhược điểm lớn nhất của chợ khóa học online là bạn phải chia phần lớn lợi nhuận kiếm được cho họ. Lý do là bởi họ đã làm hết các phần việc về xây dựng, quản lý và marketing.
  • Cạnh tranh cao. Ngoài một vài phương pháp marketing bên lề như kêu gọi trên Facebook, bạn không có cách để mau chóng nổi bật trong số các khóa học trên chợ. Cách duy nhất là dạy thật hay, thật hấp dẫn, thu hút nhiều thành viên và chờ đợi được chợ giới thiệu trong mục “Phổ biến”.

VII – Chạy chương trình giảm giá

Giảm giá, khuyến mãi lúc nào cũng là hình thức tiếp thị thu hút nhiều sự quan tâm của người dùng nhất
Giảm giá, khuyến mãi lúc nào cũng là hình thức tiếp thị thu hút nhiều sự quan tâm của người dùng nhất

Để quảng bá khóa học online hiệu quả, thu hút thêm nhiều học viên, nhiều người quan tâm, bạn cũng cần chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

1 – Ưu điểm của việc giảm giá khóa học

  • Thu hút sự chú ý. Tất cả sản phẩm khi được giảm giá đều kéo theo sự chú ý của người dùng. Tuy theo mức độ giảm giá mà sự quan tâm của người dùng cũng thay đổi theo.
  • Tác động tâm lý người học. Theo nghiên cứu, giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến 80% quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Người học đang tìm kiếm các khóa học online cũng không ngoại lệ.

2 – Nhược điểm của việc giảm giá khóa học

  • Mất bớt một phần lợi nhuận. Tất nhiên khi giảm giá khóa học, bạn sẽ hy sinh một phần lợi nhuận trên mỗi khóa để đổi lấy sự chú ý và lượng mua khóa cao hơn. Nếu tính toán tốt, tổng lợi nhuận sau cùng có thể tăng lên chứ không giảm xuống.

3 – Mẹo chạy chương trình giảm giá thu hút học viên

A – Giảm giá vào tháng đầu ra mắt khóa học

Khuyến mãi khóa học vào thời điểm ra mắt là phương pháp thường thấy để thu hút sự chú ý của người học. Các giảng viên thường giảm sâu vào thời kỳ này để gây tiếng vang trong cộng đồng gọc viên.

B – Giảm giá vào các dịp lễ liên quan

Ngoài lúc mở khóa học, bạn cũng có thể khuyến mãi học phí vào những thời điểm có nhu cầu học cao – các dịp lễ, hội và các sự kiện nổi bật khác.

Ví dụ: Vào dịp lễ Valentine 14/2, nhu cầu kiến thức về tình yêu đôi lứa, cách giữ lửa hôn nhân và hạnh phúc gia đình luôn tăng cao đột biến. Các khóa học về những chủ đề này nên tranh thủ giảm giá, ưu đãi ngay từ đầu tháng 2 để thu hút thêm nhiều học viên. Các lớp học về cắm hoa, nấu ăn, làm bánh, làm sô-cô-la, .v.v… cũng có thể tận dụng hiệu quả cơ hội này.

C – Đừng kéo quá dài thời gian giảm giá

Tuy nhiên, bạn nên đặt ra thời hạn cho mỗi chương trình giảm giá, ưu đãi của khóa học. Khi bạn giảm giá quá lâu, người học sẽ nghĩ rằng bạn đã nói thách về mức giá gốc của khóa học, làm mất cảm tình và uy tín của bạn. Chưa kể hạ giá quá thấp và quá lâu là hành động phá giá, hủy hoại lợi nhuận của bạn và cả thị trường dạy học trực tuyến. Tốt nhất là các chương trình giảm giá nên kéo dài khoảng 1-2 tháng trước và sau các sự kiện lớn mà thôi.

VIII – Quảng cáo trực tuyến

Quảng cáo trực tuyến là cách quảng bá khóa học online được ưa chuộng nhất
Quảng cáo trực tuyến là cách quảng bá khóa học online được ưa chuộng nhất

Quảng cáo là một trong những hình thức marketing lâu đời và phổ biến nhất. Kể cả khi chuyển từ thế giới thực sang thế giới trực tuyến, quảng cáo vẫn được ưa chuộng và đem lại nhiều hiệu quả tiếp thị to lớn. Quảng cáo, nhất là quảng cáo trực tuyến, được thể hiện dưới rất nhiều hình thức (banner, video, hình ảnh, bài viết, .v.v…), mang lại sự đa dạng, thu hút và khả năng tiếp cận khách hàng mạnh mẽ, phong phú.

Trong mục tiêu quảng bá khóa học online, chạy quảng cáo cũng là một phương án marketing không nên bỏ qua.

1 – Ưu điểm của việc chạy quảng cáo

  • Tác động mạnh mẽ: Nội dung quảng cáo luôn tìm cách đánh trúng “tim đen” của khách hàng, nói cho họ biết sản phẩm có thể giải quyết được khúc mắc của họ. Sau khi xem, những ai có nhu cầu học trực tuyến có thể sẽ mua ngay khóa học, còn những ai chưa có nhu cầu có thể sẽ ấn tượng và nhớ đến khi họ cần sau này.
  • Tỷ lệ chuyển đổi cao: Quảng cáo có tác động tức thì, người xem quảng cáo xong thường sẽ đưa ra một quyết định nào đó, như là: theo dõi email, tương tác, mua hàng, .v.v… Vì vậy, tỉ lệ chuyển đổi của quảng cáo luôn cao hơn các hình thức marketing khác, nhất phương pháp “mưa dầm thấm lâu” của blog.
  • Quy mô tiếp cận lớn: Quảng cáo trực tuyến được hỗ trợ nhiệt tình từ các website, nền tảng (như Google và Facebook) và trên các phần mềm, ứng dụng máy tính, di động. Nhờ vậy, quảng cáo có thể tiếp cận một số lượng đông đảo người dùng, có thể lựa chọn và sàng lọc ra nhóm đối tượng tiềm năng nhất.
  • Đa dạng hình thức: Quảng cáo được thể hiện dưới rất nhiều hình thức (banner, hình ảnh, video, livestream, .v.v…) và có thể được trưng bày ngay chủ hoặc chèn vào giữa các bài viết, bộ sưu tập, hay video clip khác. Nội dung của chúng cũng ngày càng phong phú, “bắt trend”, tạo ấn tượng thu hút và khó phai.

2 – Nhược điểm của việc chạy quảng cáo

  • Tốn tiền duy trì: Bạn cần phải trả tiền cho các nền tảng, website đăng quảng cáo, danh tiếng website càng lớn thì càng tốn nhiều tiền, và đôi khi số vốn quảng cáo vượt quá hiệu quả thực tế mà nó mang lại.
  • Khó đong đếm hiệu quả: Dẫu quảng cáo trực tuyến có nhiều công cụ để theo dõi tương tác, thái độ của người xem, nhưng chúng vẫn chưa đủ toàn diện để đánh giá có bao nhiêu người thực sự bị tác động bởi quảng cáo và tác động đến mức nào.
  • Dễ bị vô hiệu hóa: Ngày nay, người dùng thường cài thêm các tiện ích chặn quảng cáo trong trình duyệt web, khiến các banner, video quảng cáo biến mất không dấu vết. Hiệu quả quảng cáo bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các tiện ích này, ngoại trừ trên thiết bị di động.
  • Người dùng bớt tin vào quảng cáo: Đó là vấn đề chung của cả nền marketing hiện đại, khi người dùng đã “thông minh” hơn và không còn bị các “quảng cáo lố” dẫn dụ. Ngày nay, nội dung và cách thức tiếp cận của quảng cáo phải càng tinh tế, chân thực, phản ánh đúng và đủ về sản phẩm/dịch vụ mới có được lòng tin của người dùng.

3 – Mẹo thực hiện các chiến dịch quảng cáo hiệu quả để quảng bá khóa học online

A – Quảng cáo trên Google Search (Google Adwords)

Google Adwords là hình thức digital marketing hiệu quả và rất được ưa chuộng
Google Adwords là hình thức digital marketing hiệu quả và rất được ưa chuộng

Trong các hình thức quảng cáo trực tuyến, Google Adwords rất phổ biến và được nhiều chuyên gia tiếp thị tin dùng. Khi sử dụng Adwords, quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị ở đầu trang kết quả tra cứu khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan. Theo nghiên cứu, các vị trí đầu trang kết quả tìm kiếm thu hút nhiều tương tác nhất, vì vậy Google Adwords là một cách hữu hiệu để tiếp cận đến người dùng.

Tuy có thể bị vô hiệu hóa bởi các trình chặn quảng cáo (đang dần phổ biến hơn), nhưng Google Adwords vẫn là một trong những các quảng bá hiệu quả nhất, đặc biệt là trên các thiết bị di động, nơi người dùng rất khó chặn quảng cáo.

A.1 – Chọn từ khóa đúng thị hiếu

Việc lựa chọn từ khóa rất quan trọng trong mỗi chiến dịch Google Adwords, nó quyết định quảng cáo của bạn có tiếp cận (reach) đến khách hàng tiềm năng hay không. Theo thống kê, người dùng thường tìm kiếm những cụm từ khóa dài và chi tiết, liên quan mật thiết tới nhu cầu của họ. Vì vậy, bạn không nên sử dụng các từ khóa quá ngắn, quá tổng quan, mà hãy dùng các cụm từ khóa dài, càng chi tiết càng tốt để phù hợp với những gì người dùng tra cứu.

Thị hiếu thị trường cũng thường xuyên thay đổi theo dòng sự kiện hoặc một khoảng thời gian nào đó trong năm. Vào những dịp Tết đến Xuân về, số lượng tìm kiếm các từ khóa như “cách gói bánh chưng”, “cách nấu thịt kho Tàu”,… lại tăng đột biến. Hãy để ý những sự kiện, thời điểm như vậy để chuẩn bị từ khóa quảng cáo hợp lý, cũng như cố gắng làm cho từ khóa càng chi tiết, càng giống với nhu cầu tìm kiếm thực sự của người dùng càng tốt.

A.2 – Quảng cáo dẫn về landing page

Làm cho người dùng nhấp vào quảng cáo Google Adwords vẫn chưa phải là mục đích cuối cùng. Mỗi quảng cáo đều dẫn người dùng về một địa chỉ nào đó, từ đó sinh ra các chuyển đổi (theo dõi email, mua hàng, like fanpage,…). Vì vậy, quảng cáo dẫn về đâu có vai trò quan trọng không kém từ khóa được chọn.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, hãy để quảng cáo Google Adwords dẫn về landing page của sản phẩm. Landing page là trang tập trung về 1 sản phẩm, chứa nội dung tập trung về những gì người dùng đang tìm kiếm, từ đó dẫn tới tỷ lệ chuyển đổi cao nhất có thể.

Để quảng cáo dẫn về trang chủ hoặc một trang nào khác ngoài landing page sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người dùng, làm giảm hiệu quả chiến dịch quảng cáo.

A.3 – Thiết lập từ khóa tiêu cực

Thành công của chiến một dịch Adwords phụ thuộc vào tỷ lệ convert – số lần website của bạn hiện ra trên trang kết quả tra cứu và số lượt click vào. Vì vậy, bạn sẽ không muốn Google trả về website của bạn khi người dùng tìm kiếm những từ khóa không quá liên quan – vì khả năng họ click vào là không cao.

Để hạn chế điều trên, hãy thiết lập danh sách từ khóa tiêu cực từ tab Negative Keywords trong phần cài đặt Adwords. Hãy chú ý loại những từ khóa liên quan đến nội dung nhạy cảm, dễ khiến website bạn bị hiểu lầm – làm giảm tỷ lệ convert.

A.4 – Đặt ngân sách mỗi ngày và cost-per-click (trả tiền cho mỗi lượt nhấp)

Google Adwords cho phép bạn thiết lập số tiền cụ thể bạn muốn trả cho mỗi lượt click vào tổng số ngân sách quảng cáo trong một ngày. Đây cũng là một chiến thuật được nhiều chuyên gia marketing tận dụng vào một giai đoạn cụ thể trong chiến dịch Adwords nhằm đem lại hiệu quả và lợi nhuận lớn hơn.

Vì vậy, đối với người mới bắt đầu hãy thiết lập một số ngân sách vừa phải, thậm chí là ít thôi, để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng xoay vòng vốn.

B – Quảng cáo trên mạng xã hội

Facebook Ads tận dụng lượng người dùng đông đảo của Facebook để gia tăng hiệu quả tiếp cận và lan tỏa
Facebook Ads tận dụng lượng người dùng đông đảo của Facebook để gia tăng hiệu quả tiếp cận và lan tỏa

Cạnh tranh gay gắt với Google Adwords là việc quảng cáo trên các nền tảng MXH, đặc biệt là Facebook. Facebook có rất nhiều ưu thế về tiếp thị: lượng người dùng đông đảo và tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp. Nhưng quan trọng hơn hết chính là quảng cáo của Facebook rất khó chặn!

Trên máy tính, rất ít người dùng biết sử dụng các tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo Facebook. Trên ứng dụng di động của Facebook thì hoàn toàn không thể chặn được. Chưa kể thuật toán Facebook khiến người dùng tiếp cận những quảng cáo dưới dạng các bài đăng, cách dòng trạng thái,… rất đa dạng và khó nhận biết để chặn.

Vì vậy, dù đã có thắt chặt nguyên tắc hoạt động nhưng quảng cáo Facebook nói riêng và quảng cáo MXH nói chung là mảnh đất màu mỡ cho những nhà tiếp thị hiện nay.

B.1 – Chọn lựa vị trí đặt quảng cáo

Dù quảng cáo trên MXH dễ dàng và hiệu quả hơn, nhưng không phải cứ làm gì cũng thành công. Bạn cần phải tuân theo những nguyên tắc và chiến thuật hợp lý thì mới cạnh tranh được với những chiến dịch quảng bá khóa học online khác.

Trong đó, việc lựa chọn vị trí đặt quảng cáo là một trong những điều quan trọng nhất. Điều này càng đúng với Facebook, bởi MXH này có nhiều vị trí đặt quảng cáo khả dụng: ngay giữa trang feed (phần nội dung chính giữa trang), cột bên phải, mục gợi ý video, group, page, v.v…

Mỗi một vị trí đặt quảng cáo sẽ đem đến những hiệu quả khác nhau cho chiến dịch của bạn. Tất nhiên là vị trí càng đắc địa thì số tiền bỏ ra mua cũng càng lớn. Hãy suy tính kỹ độ hiệu quả của từng vị trí đặt quảng cáo để vừa tiết kiệm nhất vừa đạt độ tiếp cận, lan tỏa cao nhất.

B.2 – Chọn nhóm đối tượng hợp lý

Việc thu hẹp nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng là thiết yếu để tăng tỷ lệ chuyển đổi cho chiến dịch marketing. Với Google Adwords, bạn làm điều đó thông qua việc chọn từ khóa hợp lý.

Còn với các MXH, họ cung cấp sẵn công cụ chọn nhóm đối tượng khách hàng mà bạn muốn nhắm đến.

Việc của bạn là học các thủ thuật để chọn đúng nhóm người dùng mà mình muốn, dựa trên các yếu tố như độ tuổi, lý lịch, sở thích, v.v…

B.3 – Tập trung vào trải nghiệm di động

Hầu hết truy cập vào MXH ngày nay đều đến từ các thiết bị di động như smartphone, tablet,… Do vậy, bạn nên tối ưu quảng cáo cho trải nghiệm di động – video màn hình dọc, thời lượng ngắn vừa đủ, tải nhanh,… – để phù hợp hơn với thị hiếu người xem.

C – Quảng cáo banner trên các website

Quảng bá banner trên khóa học hoặc trên bất kỳ website nào có nội dung liên quan
Quảng bá banner trên khóa học hoặc trên bất kỳ website nào có nội dung liên quan

Ngoài Google và MXH, còn một nền tảng chạy quảng cáo trực tuyến để quảng bá khóa học nữa chính là các website, blog, hoặc forum, .v.v… Với cách này, bạn sẽ cho hiện banner quảng cáo khóa học ở các website có nội dung liên quan nhằm tận dụng lượng khách ghé thăm trang. Họ thường là các đối tượng tiềm năng có sẵn nhu cầu về học tập và tìm kiếm khóa học trực tuyến.

Bạn nên chọn các website nổi tiếng, có lưu lượng truy cập cao, và có chủ đề càng liên quan càng tốt để đăng banner cho đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Tuy nhiên, tương tự quảng cáo Google Adword, hình thức này này cũng bị đe dọa bởi các tiện ích chặn quảng cáo. Cách duy nhất để đảm bảo không bị thất thu là ưu tiên các website có chương trình chống chặn quảng cáo. Ngoài ra, một số trang web danh tiếng có lượng người xem trung thành có thể tắt trình chặn quảng cáo đi để ủng hộ cho trang web, gián tiếp giúp bạn quảng cáo hiệu quả hơn.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về cách quảng bá khóa học online thu hút học viên và phát triển bền vững. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng quảng bá khóa học online cần phải song hành với cải thiện chất lượng giảng dạy và hiệu quả học tập. Chỉ có như vậy mới giúp bạn đứng vững trong lĩnh vực dạy và học trực tuyến đang là xu hướng hàng đầu và cạnh tranh khốc liệt ngày nay.