Cách quảng cáo khóa học online toàn tập (P1) – Blog, Landing Page, TTLK và SEO

1-quang-ba-khoa-hoc-feature

Bài viết thuộc series “Cách quảng bá khóa học online toàn tập”.

Trong phần 1, chúng tôi sẽ chia sẻ 4 cách quảng bá trên chính website bán khóa học online của bạn:

  1. Viết blog.
  2. Tạo landing page.
  3. Chạy chương trình tiếp thị liên kết.
  4. SEO – Search Engine Optimization.

Tuy kết quả sẽ không đến nhanh nhưng cả 4 đều là những phương pháp bền vững, mang lại nhiều lợi ích đáng giá.

Mục Lục

I – Viết blog cung cấp nội dung hữu ích

Viết blog là cách được nhiều giảng viên online ưa chuộng nhờ hiệu quả lâu dài
Viết blog là cách được nhiều giảng viên online ưa chuộng nhờ hiệu quả lâu dài

Viết blog từ lâu đã là cách quảng bá khóa học online tuy tốn thời gian nhưng mang lại lợi ích bền vững. Trong thời đại marketing lấy nội dung làm trọng tâm, vai trò của blog chưa bao giờ quan trọng đến thế.

Bạn có thể tạo blog trên trang dạy học trực tuyến theo 1 trong 2 hình thức:

  • Tên miền con: tách blog ra thành 1 tên miền con của website. Ví dụ: blog.example.com
  • Mục con của trang web: dành một mục (category) của website cho blog. Ví dụ: example.com/blog

“Blog” là cách gọi chung của tập hợp nhiều bài viết khác nhau, được cập nhật thường xuyên, và mang tính tương tác. Vì vậy, bạn có thể linh hoạt thay đổi từ “blog” thành bất cứ chữ gì phù hợp để giúp hài hòa hơn với website của mình.

Ví dụ: Ở trang web này, mục blog được đổi thành “kinh nghiệm”: websitehoctructuyen.com/kinh-nghiem

1 – Ưu điểm của blog

  • Tăng mức độ nhận diện thương hiệu: Từ nội dung, văn phong, đến cách trang trí và cả giao diện website… tất cả đều có thể tạo nên sự độc đáo, giúp định vị thương hiệu cho bạn.
  • Khiến học viên tin tưởng: Bằng cách cung cấp các nội dung hữu ích cho học viên, giúp họ giải quyết vấn đề, bạn sẽ gầy dựng được sự tin tưởng của họ dành cho mình.
  • Sở hữu “khách hàng” trung thành: Liên tục cho học viên những bí quyết có giá trị, họ sẽ sẵn sàng mua những khóa học tiếp theo của bạn.
  • Tăng hiệu quả SEO: Viết blog giúp giữ cho website luôn hoạt động, mà các trang web có cập nhật thường xuyên sẽ có được thứ hạng cao hơn trên các trang kết quả tìm kiếm.
  • Tiết kiệm chi phí: Bạn không cần phải thuê thêm 1 dịch vụ khác để tạo blog, chỉ việc tạo trên website sẵn có hoặc dùng các nền tảng miễn phí như wordpress.com, blogspot.com… (mặc dù hiệu quả marketing sẽ không bằng việc sở hữu 1 website).

2 – Khuyết điểm của blog

  • Đòi hỏi nhiều công sức và thời gian: Blog đòi hòi nhiều thời gian và công sức để giữ cho nó luôn cập nhật. Ngoài ra, bạn cần đợi khoảng 6 tháng đến 1 năm mới đến được lúc blog phát huy tác dụng marketing của mình.
  • Tỷ lệ chuyển đổi không chắc chắn: Có những người chỉ vào blog đọc mà không đưa ra bất kỳ hành động nào. Bạn cần có những phương pháp hiệu quả để khiến độc giả ra quyết định nhiều hơn (bình luận, để lại email, đăng ký học, v.v…).

3 – Mẹo viết blog giúp xây dựng thương hiệu và bán khóa học hiệu quả

A – Cung cấp nội dung HỮU ÍCH và LIÊN TỤC

Để quảng bá bằng blog hiệu quả, bạn cần nội dung cung cấp thông tin và công cụ hữu ích, giúp người đọc giải quyết được vấn đề liên quan đến chủ đề khóa học.

Ví dụ: Nếu dạy tiếng Anh, bạn có thể:

  • Chia sẻ các phương pháp nhớ lâu, các mẫu câu phổ biến trong sinh hoạt của người bản xứ.
  • Giới thiệu những phần mềm, tiện ích,… hỗ trợ học Anh văn trên điện thoại, máy tính.
  • Giới thiệu sách, từ điển tốt nhất để học tiếng Anh.
  • Cung cấp các công cụ giúp chuyển đổi từ vựng sang các thì khác nhau, đổi động từ bất quy tắc.
  • v.v…

Như vậy, có thể giúp đỡ được cho học viên và cả những người chưa phải là học viên. Đây là điều mà marketing qua blog làm tốt hơn các hình thức khác!

Ngoài ra, bạn cần có kế hoạch đăng bài cụ thể để giúp blog luôn ở trạng thái cập nhật. Bạn không cần đăng hằng ngày, có thể 1-2 bài/tuần vẫn được. Quan trọng là bạn phải cho người theo dõi biết blog bạn vẫn đang hoạt động.

Lên lịch đăng bài giúp blog giữ được độ cập nhật và lượng traffic ổn định
Lên lịch đăng bài giúp blog giữ được độ cập nhật và lượng traffic ổn định

B – ĐA DẠNG HÓA nội dung và hình thức

Để tăng phần hấp dẫn và hiệu quả cho blog, bạn nên đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau và sử dụng các thức trình bày đa dạng.

Về nội dung, bạn có thể:

  • Viết bài hướng dẫn, mẹo vặt liên quan đến chủ đề khóa học.
  • Nêu quan điểm về một vấn đề nào đó liên hệ với nội dung khóa học.
  • Cung cấp công cụ giúp giải quyết vấn đề của học viên như: công cụ chuyển đổi thì động từ tiếng Anh, công cụ giải một phương trình toán học cụ thể nào đó, công cụ tính lượng ca-lo tiêu thụ cho các khóa học thể dục tại nhà…
  • Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống, quá trình học tập và giảng dạy.

Về hình thức trình bày, thay cho những bài viết dài chỉ toàn là chữ sẽ khiến người đọc “ngán”, bạn có thể:

  • Chèn thêm nhiều hình minh họa giúp độc giả nhanh chóng nắm được nội dung phần đang đọc.
  • Dùng infographic, biểu đồ để truyền đạt các thông số, dữ liệu mà vẫn thú vị, cuốn hút.
  • Sử dụng video clip (livestream hoặc được dàn dựng, chỉnh sửa) để độc giả có thể vừa đọc vừa nghe, sinh động và dễ tiếp thu.

Tóm lại, bạn nên đa dạng hóa nội dung và cách trình bày blog nhiều nhất có thể để tạo nên sự thú vị cho độc giả. Việc này cũng góp phần điểm tô vài nét độc đáo cho thương hiệu của mình.

Xem thêm: Top 10 công cụ miễn phí tạo infographic online

C – Cung cấp nội dung NHẤT QUÁN và ĐỘC NHẤT

Tính nhất quán

Blog đóng vai trò quan trọng trong việc định vị thương hiệu khóa học của bạn. Trên thực tế, có nhiều bài blog đọc vào là biết ngay của tác giả nào viết. Đó là kết quả của việc sáng tạo nội dung blog đồng bộ và nhất quán trên mọi phương tiện.

Bạn nên vạch kế hoạch ngay từ đầu cho trang blog:

  • Viết với phong cách gì?
  • Xưng hô với độc giả như thế nào?
  • Nên viết kiểu trịnh trọng hay thân thiện?
  • Tỉ lệ bố cục, các loại nội dung (hình ảnh, biểu bảng, infographic) ra sao?

Lưu ý: Mỗi bài viết dù có thể khác nhau đôi chút nhưng vẫn phải xoay quanh những định hướng đó để viết.

Quan trọng là: bất kể đăng bài lên nền tảng nào (blog của bạn, website vệ tinh, forum, blog của người khác, .v.v…), bạn cũng nên thể hiện một phong cách đồng nhất. Có như vậy bạn mới tạo ra được một thương hiệu riêng cho mình, và gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

Sự độc nhất

Ngoài tính đồng bộ kể trên thì blog của bạn cần phải có tính độc nhất. Tức là: nó phải do bạn nghĩ và viết ra, với văn phong, kiến thức và kinh nghiệm của chính bản thân bạn.

Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tham khảo ý tưởng viết blog đã có sẵn, nhưng khâu sản xuất nội dung phải là của chính bạn thực hiện. Điều này khác hẳn với sao chép, đạo nhái ý tưởng và nội dung bài viết của người khác.

Nếu muốn, bạn cũng có thể thuê content writer. Nhưng bạn vẫn nên nắm vai trò chủ đạo trong việc định hướng cách viết cho họ, đề nghị và kiểm tra tính độc nhất cho blog.

D – Kết hợp với SOCIAL MEDIA MARKETING để tăng lưu lượng truy cập cho blog

Viết blog là 1 chiến lược lâu dài. Bạn vẫn phải quảng bá cho blog để nhiều người biết đến hơn.

Bạn nên kết hợp blog với các hình thức marketing khác để gia tăng độ lan tỏa và tiếp cập tới người học.

Cách phổ biến nhất chính là phối hợp, tận dụng các kênh truyền thông xã hội (Social Media Marketing – sẽ được nói đến ở phần 3). Trong đó, 2 cách phổ biến nhất là:

  1. Tạo video YouTube phiên bản tóm tắt nội dung bài viết.
  2. Chia sẻ lại bài lên fanpage Facebook, Zalo, Instagram, v.v…

E – Tích hợp Email Marketing để tăng tỷ lệ chuyển đổi

Nội dung chi tiết sẽ được nói đến ở phần 2.

Tuy vậy, về cơ bản, bạn nên chèn các hộp đăng ký thông báo bài viết mới như một cách theo dõi nội dung cho người đọc trên blog. Ngoài ra, bạn cũng có thể chèn thẳng những khung đăng ký mua khóa học, hoặc đăng ký trước khóa học sắp bán để thu thút người xem.

II – Landing page cũng là một cách quảng bá khóa học online hiệu quả

Landing page tạo ấn tượng với độc giả về khóa học online của bạn, có hiệu quả marketing rất tốt
Landing page tạo ấn tượng với độc giả về khóa học online của bạn, có hiệu quả marketing rất tốt

Landing page (còn gọi là trang đích) là công cụ tối ưu để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. “Chuyển đổi” ở đây có nhiều ý nghĩa, nó có thể một trong số những mục đích sau:

  • Biến khách ghé thăm thành học viên chính thức.
  • Thu thập thông tin của học viên tiềm năng.
  • Kêu gọi học viên đăng ký trước/tham gia sự kiện.
  • Hoặc vô số mục đích tiếp thị khác…

Bạn có thể tạo landing page cho bất kỳ sản phẩm nào và khóa học trực tuyến cũng không ngoại lệ. Thực tế, đây là top những cách quảng bá khóa học online mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao nhất.

Landing page có thể được tạo bằng cách sử dụng tên miền con của tên miền chính (VD: mona.example.com); hoặc thư mục con (VD: example.com/mona); hoặc thậm chí là một tên miền riêng nếu muốn tập trung vào từ khóa nào đấy (VD: mona.media).

1 – Ưu điểm của landing page

  • Ấn tượng mạnh mẽ: Một landing page chuyên nghiệp, bắt mắt giúp thu hút sự chú ý và để lại dấu ấn khó phai trong lòng người xem.
  • Tỷ lệ chuyển đổi cao: Landing page chỉ tập trung vào 1 mục đích, giúp tinh giảm các lựa chọn của khách ghé thăm. Điều này mang đến tỷ lệ chuyển đổi rất cao do họ sẽ ra quyết định dễ và nhanh hơn khi chỉ có 1 lựa chọn.
  • Hỗ trợ định vị thương hiệu: Một trang đích được thiết kế chuyên nghiệp, mang phong cách của bạn cũng giúp định vị thương hiệu rất tốt.

2 – Khuyết điểm của landing page

  • Nhiều tỷ lệ thoát, không tốt cho SEO: Khách thường chỉ truy cập landing page 1 lần duy nhất bởi họ sẽ: hoặc đưa ra một hành động nào đó (để lại email, truy cập trang bạn đã định hướng để mua hàng, đăng ký…), hoặc không do không có nhu cầu, rồi rời trang. Mà các công cụ tìm kiếm không thích những trang có tỷ lệ thoát cao như vậy.
  • Dễ bị xếp hạng thấp trên Google: Google ưu tiên những trang có cập nhật và tương tác thường xuyên, mà landing page thường có nội dung tĩnh và ít chữ. Do đó, SEO rất quan trọng cho landing page, sẽ được đề cập ở phần 6. Và những mẹo sau đây bạn cũng nên cân nhắc áp dụng để không bỏ lỡ cách quảng bá hiệu quả này.

3 – Mẹo tạo landing page cho khóa học online hiệu quả

A – BÁM SÁT NHU CẦU TÌM KIẾM khi xây dựng landing page

Khóa học cần được làm landing page nhất phải là khóa học có:

  • Mục đích cụ thể
  • Giải quyết vấn đề thực tiễn
  • Bám sát nhu cầu tìm kiếm (phù hợp với thị trường).

Ví dụ: Giả sử bạn là người bán khóa học về chủ đề “thiết kế website”.

Vậy thì: thay vì làm landing cho các khóa học dạng chung chung là “khóa học thiết kế website chuyên nghiệp”, bạn nên tạo landing cho “khóa học thiết kế website cho người không chuyên”, “khóa học thiết kế website bán hàng online”, hoặc “khóa học thiết kế website bằng wordpress”.

3 khóa học sau có mục đích cụ thể hơn, nhắm đúng đối tượng hơn. Vì thế, nó sẽ mang đến tỷ lệ chuyển đổi cao hơn do người vào xem là người đang có nhu cầu đó nhất.

Ngoài ra, chúng cũng ít cạnh hơn những cụm từ phổ biến cao như “thiết kế website chuyên nghiệp”, “thiết kế website chuẩn SEO”.

Chú ý: Bạn cũng cần nghiên cứu từ khóa để chọn cụm từ được tìm kiếm nhiều mà cạnh tranh trung bình, thấp để đạt được hiệu quả cao hơn.

Nhìn chung, bạn cần tập trung quảng bá cho những khóa học cụ thể như vậy để thu hút người học và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi. Các khóa học khác sẽ được “hưởng sái” một khi học viên mua các khóa được quảng bá trên landing page.

Xác định rõ từ khóa tìm kiếm phù hợp với xu hướng thị trường và tối ưu hóa cho nó là một trong những yếu tố quyết định sự thành-bại của landing page.

B – TẬP TRUNG vào 1 MỤC ĐÍCH NHẤT ĐỊNH

Mỗi landing page nên tập trung vào 1 mục đích nhất định. Sự tập trung này giúp bạn không làm loãng nội dung cũng như để khách hàng biết đưa ra lựa chọn như thế nào.

Ví dụ: Bạn bán khóa học online thì mục đích tạo landing page có thể là:

  1. Bán khóa học: Landing page mô tả chi tiết về khóa học rồi dẫn dắt khách hàng mua nó.
  2. Thu thập thông tin: Landing page “tặng quà” cho khách ghé thăm như cung cấp tài liệu miễn phí, hoặc học khóa học của bạn miễn phí (có thể hoặc không giới hạn bài học, thời gian, thành viên) và yêu cầu người xem để lại thông tin cá nhân của họ.
  3. Đăng ký thành viên: landing page giới thiệu cụ thể 1 dịch vụ mà bạn cung cấp (diễn đàn hỗ trợ, chương trình tiếp thị liên kết, hệ thống thành viên của website dạy học…) và khuyến khích người xem tạo tài khoản để sử dụng dịch vụ của bạn.

Trên đây là 3 ví dụ thường thấy về mục đích của 1 landing page. Tùy vào mục đích của bạn, landing page có thể được triển khai theo nhiều cách khác nhau.

C – Không quên để lại MẪU LIÊN HỆ và các hình thức KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG

Call-to-action giúp tăng mạnh tỷ lệ chuyển đổi của bạn
Call-to-action giúp tăng mạnh tỷ lệ chuyển đổi của bạn

Bạn chắc chắn sẽ không muốn quá trình chuyển đổi bị can thiệp bởi cảm hứng của khách hàng, không muốn học viên xem xong rồi “chu du” khắp các trang khóa học khác. Thay vào đó, bạn sẽ muốn landing page có ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức yêu cầu họ ra quyết định (mua hàng, theo dõi email, liên hệ hỗ trợ,…).

Vì vậy, bạn cần tạo các nút kêu gọi hành động (call-to-action) và mẫu liên hệ và đặt ở nơi dễ chú ý nhất.

Các nút kêu gọi hành động và mẫu liên hệ phổ biến mà bạn nên dùng để khơi gợi hành động ngay lập tức của người xem là: “mua ngay”, “đăng ký ngay”, “theo dõi ngay”, v.v…

Theo nghiên cứu, những thành phần này giúp “đánh thức” người xem khỏi trạng thái tiếp nhận thông tin bị động, “khuyến khích” họ chủ động đưa ra một quyết định nào đó.

D – Xây dựng nội dung landing page ĐÚNG TRỌNG TÂM

Nội dung (từ ngữ, hình ảnh, video…) cần nói đúng chỗ quan trọng của khóa học, “gãi đúng chỗ ngứa” của người xem.

Ví dụ: Khi bạn xây dựng landing page giới thiệu “Khóa học Yoga đơn giản giúp giảm eo giữ dáng”, nội dung cần xoay quanh chủ đề tập yoga và phải bám sát 2 “từ khóa” trọng tâm là:

  1. “đơn giản” – bạn phải cho người xem biết các bài tập yoga của bạn đơn giản như thế nào, ai cũng có thể làm được ra sao, cho dù người tập là người mới bắt đầu học hay có thể chất không tốt/lười vận động, v.v…
  2. “giảm eo giữ dáng” – bạn phải cho người xem biết các bài tập yoga của bạn chắc chắn giúp họ giảm được số đo vòng 2 và giữ được dáng vẻ đó nếu làm đúng hướng dẫn. Và bạn chỉ tập trung vào từ khóa này thôi, chứ không nên lan man thêm các lợi ích khác của yoga như “có tinh thần thoải mái”, “giúp phổi khỏe hơn”… để kích cầu người xem. Mọi người thừa biết yoga tốt như thế nào, và họ tìm đến khóa học của bạn vì “chỗ ngứa” là “muốn giảm eo” chứ không cần thêm thông tin gì khác.

Ngoài ra, bạn có thể thêm vào các cam kết hoặc thông tin “gãi đúng chỗ ngứa” khác cho họ là: chỉ cần X phút mỗi ngày cho X bài tập, giảm X cm vòng eo trong X tháng…

Tất nhiên là bạn cũng cần đảm bảo khóa học của bạn có khả năng như vậy.

Tựu chung, việc tạo nội dung đúng trọng tâm sẽ giúp landing page của bạn ấn tượng và có giá trị hơn trong mắt khách hàng.

E – Cung cấp NHIỀU CHỮ cho landing page

Trái với suy nghĩ của nhiều người, landing page không nhất thiết phải ít chữ. Nội dung của landing page nên súc tích và bám sát nhu cầu tìm kiếm, nhưng không có một giới hạn từ tối đa nào cho nó cả.

Theo thống kê trên 1 triệu website hiện nay, trung bình các trang đầu tiên mà Google phân tích (thường là trang chủ và landing page) có chứa đến 1890 từ. Trong khi đó, hầu hết các landing page kém hiệu quả chỉ có đến không quá 400 từ.

Từ đó, ta có thể thấy: số lượng từ ít hơn không khiến cho Google ưu tiên đề xuất trang của bạn trên kết quả tìm kiếm nhiều hơn. Vì vậy, bạn cũng nên thoải mái hơn trong việc dùng từ ngữ diễn đạt nội dung landing page.

F – Hạn chế đường dẫn (link) đến các trang khác

Bạn cần hạn chế chèn vào landing page các đường dẫn đến các trang khác, ngoại trừ các trang quan trọng như:

  • Trang web bán khóa học của bạn.
  • Trang fanpage trên các kênh truyền thông xã hội.
  • Trang thông tin giảng viên.

Làm như vậy, bạn sẽ tránh điều hướng khách hàng sang các nơi khácgiữ chân họ ở lại landing page lâu hơn, giúp gia tăng tỉ lệ đưa ra hành động của họ – cũng chính là mục đích mà bạn muốn. Nếu bạn chưa có kinh ngiệm có thể tìm đến các freelancer thiết kế web hoặc các công ty thiết kế website chuyên nghiệp để trình bày ý tưởng của mình và nhận được 1 thành phẩm hoàn hảo.

III – Tạo chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) để quảng bá khóa học online

Chiến dịch TTLK giúp lan tỏa khóa học online của bạn mạnh mẽ hơn
Chiến dịch TTLK giúp lan tỏa khóa học online của bạn mạnh mẽ hơn

Tiếp thị liên kết (TTLK) là phương pháp marketing hiện đại và hiệu quả, ngay cả đối với các dịch vụ như website học trực tuyến.
Với phương pháp này, bạn sẽ cho phép các cá nhân bất kỳ tham gia quảng bá khóa học online của mình và chỉ trả tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng (khóa học) họ bán được.

Hellochao, một website học ngoại ngữ nổi tiếng, từ những ngày đầu đã áp dụng chương trình TTLK. Họ đã mở rộng nhận diện thương hiệu thành công một cách ít tốn kém, dựa trên nguồn nhân lực dồi dào có sẵn chính là các học viên và người làm TTLK (publisher). Tuy phải trả một khoản khí hoa hồng nhỏ cho mỗi đơn hàng, nhưng lợi ích lâu dài thu được là rất lớn.

1 – Ưu điểm của chương trình TTLK

  • Lan tỏa và định vị thương hiệu hiệu quả: Càng có nhiều publisher, bạn càng tiếp cận được đến nhiều người dùng. Tuy vậy, điều này thực tế còn tùy theo số lượng, năng lực của các publisher và cả mức hoa hồng chia cho từng người.
  • Có được “nhân viên tiếp thị” đông và rẻ. Những nhân viên TTLK thực tế không phải là nhân viên của bạn, bạn chỉ trả hoa hồng trên mỗi đơn hàng có được. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí cho nhân lực, cũng như có được một đội ngũ tiếp thị hùng hậu hơn so với thuê nhân viên thật sự.
  • Tiết kiệm thời gian và nguồn lực: Việc lan tỏa, tiếp thị đã có các publisher lo liệu, bạn có thể dành thời gian và tài nguyên cho các công việc quan trọng hơn.

2 – Khuyết điểm của chương trình TTLK

  • Chia sẻ lợi nhuận: Bạn phải trả hoa hồng cho các publisher trên mỗi học viên mà họ giới thiệu được. Hoa hồng càng hấp dẫn thì càng có nhiều người tham gia TTLK cho bạn, và ngược lại.
  • Có thể tốn phí thuê dịch vụ: Các dịch vụ trung gian – mạng lưới TTLK (affiliate network) – có sẵn đội ngũ publisher đông đảo và tài năng. Sử dụng các dịch vụ đó giúp bạn đỡ tốn công đi tìm nhân viên TTLK, nhưng lại phải trả thêm 1 khoản phí.

3 – Mẹo chạy chương trình TTLK thông minh, ít tốn kém

A – Tự mở chương trình TTLK trên website

Nếu bạn tự chạy chương trình TTLK trên website dạy học trực tuyến, bạn sẽ không cần quá nhiều vốn liếng. Bạn chỉ cần mua hoặc sử dụng plugin TTLK miễn phí nào đó rồi tích hợp với trang web của mình là được.

Trở ngại lớn nhất của phương pháp này là bạn phải tự quảng bá cho chương trình này để các publisher có thể thấy được. Nếu bạn có khả năng marketing hoặc có sẵn nguồn nhân lực publisher tốt thì có thể dễ dàng lan tỏa thương hiệu của mình.

Bạn có thể marketing tìm kiếm các nhân viên TTLK bằng cách:

  • Chia sẻ lên các hội nhóm TTLK trên Facebook.
  • Tạo video giới thiệu chương trình trên YouTube (và quảng bá cho video đó).
  • Trả tiền cho các blog về TTLK như ngocdenroi.com để nhờ họ viết 1 bài giới thiệu về bạn.
  • Tạo landing page cho chương trình TTLK của bạn rồi quảng bá nó đến mọi người.

Xem thêm: Tích hợp tính năng affiliate – Tiếp thị liên kết vào website

B – Thông qua mạng lưới TTLK

Nếu bạn không giỏi việc marketing, giống như rất nhiều người dạy học online khác, thì có thể tìm đến các mạng lưới TTLK trung gian (affiliate network).

Các mạng lưới TTLK phổ biến ở Việt Nam là AccessTrade, Adflex, v.v… Dịch vụ này rất nổi tiếng, có sẵn một lượng publisher đông đảo, ngày đêm chực chờ các chiến dịch TTLK. Bạn chỉ cần bỏ ra thêm một khoản phí để thuê mạng lưới TTLK này và publisher của họ quảng bá khóa học online giùm cho bạn.

Tất nhiên, việc này tốn kém hơn là tự chạy chương trình TTLK. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tiết kiệm một khoản chi phí bằng cách ấn định thời gian chạy chiến dịch.

Bạn chỉ nên mở chiến dịch TTLK trong khoản thời gian ngắn:

  • Các dịp lễ phù hợp với chủ đề bạn dạy: 8/3, 20/10, 20/11 cho khóa học cắm hoa chẳng hạn.
  • 1 tuần hoặc 1 tháng sau khi ra mắt một khóa học nào đó.
  • Các dịp lớn hoặc Tết: Black Friday, Tết tây, Tết ta…

Để tăng tính hiệu quả, bạn cũng cần tăng mức hoa hồng cho các publisher để họ hăng hái quảng bá giúp bạn.

IV – SEO (Search Engine Optimization) – tối ưu hóa website cho các công cụ tìm kiếm

SEO giúp người dùng tìm thấy website dạy học của bạn thông qua Google, Bing
SEO giúp người dùng tìm thấy website dạy học của bạn thông qua Google, Bing

SEO là phương pháp tối ưu hóa tìm kiếm cho trang web, giúp địa chỉ website xuất hiện ở top đầu các kết quả tìm kiếm. Vì đặc thù của bạn là dạy học trực tuyến, SEO là công cụ vô cùng hữu hiệu để tiếp cận các học viên tiềm năng – những người đang tra cứu thông tin về các khóa học online.

1 – Ưu điểm của SEO

  • Hiệu quả dài lâu: Một trang web được SEO tốt sẽ giữ được thứ hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm trong thời gian dài. Nó sẽ hiện ra khi người dùng tìm kiếm 1 thứ gì đó liên quan, thậm chí khi chủ đề hay từ khóa không còn “hot” nữa.
  • Kết quả đo đạc được: Hiệu quả của SEO rất dễ đo lường và phân tích dễ dàng thông qua các số liệu kỹ thuật như: lưu lượng truy cập, số lượt nhấp vào đường dẫn, thời gian ở lại trang của người dùng…
  • Tận dụng sức mạnh của công cụ tìm kiếm: Google và các công cụ tìm kiếm như chiếc la bàn online cho người dùng internet. SEO sẽ khiến chúng dẫn dắt họ đến với website của bạn.

2 – Khuyết điểm của SEO

  • Cạnh tranh rất cao: SEO là một trong những phương pháp marketing cạnh tranh gay gắt nhất bởi: (1) hiệu quả lâu bền, (2) gần như là phương án bắt buộc để quảng bá mọi website.
  • Tốn thời gian và công sức: Phải mất kha khá thời gian để website của bạn đạt thứ hạng cao trên trang kết quả tra cứu. Bạn cũng phải theo dõi tình trạng SEO sát sao để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với thị trường và để cạnh tranh với đối thủ.
  • Phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm: Các công cụ tìm kiếm thay đổi thuật toán rất thường xuyên, khiến các kỹ thuật SEO lỗi thời trở nên kém hiệu quả hoặc vô dụng hoàn toàn. Đôi khi website của bạn có thể bị phạt thứ hạng do vi phạm 1 chính sách nào đó mà bạn không thể phản pháo lại. Và nếu Google hay các công cụ tìm kiếm gặp vấn đề (như “bị sập”, bị chặn, bị “đóng cửa”) thì cũng chẳng ai bồi thường cho bạn cả.

3 – Cách quảng bá khóa học online bằng SEO hiệu quả

A – Sản xuất NỘI DUNG CHẤT LƯỢNG

SEO không chỉ còn tập trung vào kỹ thuật hạ tầng

Các kết quả tìm kiếm đầu tiên được đưa ra đều mang tính liên quanđộ phổ biến cao nhất đối với từ khóa tìm kiếm. Mà chất lượng nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến 2 yếu tố trên.

Website chứa nội dung hữu ích, có đầu tư sẽ thu hút người đến xem và ở lại trang lâu hơn, gia tăng độ phổ biến. Thuật toán tìm kiếm tận dụng công nghệ máy học (machine learning), dễ dàng nhận biết nội dung website có liên quan đến nhu cầu tra cứu của người học hay không.

Giờ đây, các SEO-er rất khó có thể qua mặt các công cụ tìm kiếm, dẫn dụ người dùng đến các website chứa nội dung rác và không liên quan gì đến thứ họ tìm kiếm. Một website có kỹ thuật SEO tốt, có hàng nghìn backlink, nhưng nếu không thật sự chất lượng thì cũng xếp sau một trang web có độ phổ biến và sự liên quan cao hơn.

Một số tiêu chuẩn chất lượng phổ biến dành cho nội dung
  • Độ dài bài viết không được quá ngắn, phải có độ dài 1500 từ hoặc hơn tùy theo số lượng ý chủ đạo trong bài.
  • Nội dung tự sản xuất, độc nhất của chính bạn hoặc của content writer, không được sao chép, hoặc giữ lại phần lớn câu văn của người khác.
  • Tránh các ý tưởng trùng lắp và quá phổ biến.
  • Bổ sung và cải thiện các nội dung cũ sao cho chi tiết hơn, cập nhật hơn, hoặc phù hợp với các đối tượng khác chưa được đề cập tới.
  • Sử dụng các hình ảnh, biểu đồ, video… để giữ chân người đọc lâu hơn.

Trên đây chỉ là các tiêu chuẩn về mặt hình thức của nội dung, còn chất lượng thật sự đến từ sự hữu dụng của nó đối với người học.

Ở đây, bạn đang mở khóa học online, mọi nội dung trong website cần phải đáp ứng nhu cầu và giải đáp thắc mắc của người học. Chỉ có như vậy bạn mới có thể bảo đảm thứ hạng SEO của website và tiếp cận đến nhiều học viên hơn nữa.

B – Thiết kế website THÂN THIỆN GOOGLE và TỐI ƯU ONSITE

Ngoài nội dung chất lượng thì các yếu tố kỹ thuật hạ tầng cũng góp phần cải thiện thứ hạng SEO của website bạn.

Một trong những cơ chế quan trọng nhất trong SEO chính là các backlink (link ở trang khác dẫn về trang của bạn).

Bạn cần xây dựng các backlink tốt. Tức là, bạn cần trỏ link từ các trang web khác về trang của bạn mà phải đảm bảo có nội dung liên quan đến chủ đề bạn đang làm.

Ngoài ra, bạn cũng phải cải thiện các yếu tố kỹ thuật SEO khác sao cho trang của bạn thật thân thiện với Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác. Thân thiện ở đây là có thiết kế phù hợp với những giá trị mà chúng đề cao như:

  • Website tải nhanh: có thể đạt được bằng cách tối ưu HTML, CSS, Javascript, hình ảnh (bằng cách sử dụng công cụ nén ảnh) và dùng máy chủ tại Việt Nam hoặc một nơi nào đó gần Việt Nam. Bạn cũng có thể dùng CDN nếu có máy chủ ở nước ngoài.
  • Tối ưu khả năng được thu thập dữ liệu (crawlability) – cần kiểm tra các vấn đề về thu thập dữ liệu như:
    • Broken Link (link không truy cập được nữa).
    • Code trang web không tốt.
    • Lỗi robots.txt.
    • Không có sitemap.
    • Không tối ưu trang 404.
    • Và nhiều kỹ thuật khác.
  • Tối ưu khác: liên kết các bài viết liên quan với nhau bằng link nội bộ, sử dụng meta description, sử dụng các thẻ heading, có mật độ từ khóa phù hợp, v.v…

Tham khảo thêm: “Hướng dẫn dành cho người mới làm quen với Tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm (SEO)” của chính Nhóm Chất lượng tìm kiếm của Google.

C – Chọn TỪ KHÓA phù hợp với thị hiếu học viên

Để tăng tính liên quan của nội dung và hiệu quả SEO, bạn cần chọn được từ khóa phù hợp với xu hướng tìm kiếm của người học. Đối với các khóa học online, bạn cần nắm biết được học viên có nhu cầu học nội dung nào là lớn nhất.

nhiều chủ đề thu hút nhiều người học hơn các chủ đề khác như: lập trình, nuôi dạy con, ngoại ngữ, v.v… Tuy nhiên, đó chỉ là những từ khóa quá chung chung, bao quát một phạm vi nội dung rộng lớn. Trong khi đó, người học thường tra cứu những thứ chi tiết và cụ thể hơn.

Ví dụ: các từ khóa như “cách nấu bánh tét” hay “cách gói bánh chưng” đặc biệt tăng mạnh vào dịp Tết; gần đến kỳ thi Đại học Quốc gia thì từ khóa “ôn thi đại học”, “kiểm tra năng lực” được tìm kiếm rất nhiều, v.v…

Vì thế, mấu chốt của việc chọn từ khóa là phải cụ thể, chi tiết, liên quan mật thiết với nhu cầu thực tế của học viên. Khi đó, Google và các công cụ tìm kiếm khác mới đánh giá cao website dạy học trực tuyến của bạn và xếp nó lên đầu trang kết quả tra cứu.

D – Kết hợp SOCIAL MEDIA MARKETING

Social marketing có ảnh hưởng không nhỏ đến thứ hạng SEO
Social marketing có ảnh hưởng không nhỏ đến thứ hạng SEO

SEO cũng cần kết hợp chặt chẽ với Social Media Marketing (SMM) để đạt hiệu quả cao nhất. Bởi vì SMM tốt sẽ lan tỏa thương hiệu và tăng lượt tương tác, truy cập đến website của bạn.

Khi có nhiều lượt truy cập và tương tác, tự khắc các công cụ tìm kiếm sẽ xem trang của bạn có độ phổ biến cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng các lượt chuyển hướng từ SMM đến website có ảnh hưởng không nhỏ lên thứ tự kết quả tra cứu.

Để phối hợp SEO và SMM, bạn có thể chia sẻ link bài viết, link website lên fanpage Facebook hay lên một cộng đồng nào đó trên một mạng xã hội bất kỳ. Tuy vậy, dù là fanpage hay hội nhóm nào, điều kiện tiên quyết là chúng phải phổ biến để bạn có thể tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.

Để xây dựng một cộng đồng, fanpage lớn mạnh và tích cực, bạn có thể tham khảo phần 2 của series bài viết.

E – Thuê dịch vụ SEO CHUYÊN NGHIỆP

Thực tế, để SEO hiệu quả cho website cần rất nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong nghề. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi vô vàn công sức bỏ ra để chăm chút cơ sở hạ tầng website, theo dõi biến động của thị trường từ khóa, nghiên cứu chiến lược SEO của đối thủ, .v.v…

Đó thực sự là một cuộc phiêu lưu không dành cho tất cả mọi người!

Là một người mở website khóa học online bình thường, rất khó để bạn có thể tự SEO cho bản thân. Có lẽ chỉ có những ai mở khóa học trực tuyến về SEO mới có thể tự SEO cho website của mình.

Nếu bạn không am hiểu SEO và muốn tiết kiệm thời gian, chi phí (cho những lần thử thất bại), bạn có thể nhờ đến các dịch vụ SEO chuyên nghiệp.

Đó là những đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm SEO thực tiễn. Họ sẽ giúp bạn giữ vững thứ hạng website để tiếp cận với các học viên đang có nhu cầu và định vị thương hiệu khóa học online của mình.

Hẳn nhiên là bạn phải tốn một khoản tiền thuê dịch vụ SEO, nhưng hiệu quả đạt được có thể sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng và xứng đáng.

Kết phần 1

Qua phần 1, có lẽ bạn đã tham khảo được không ít ý tưởng về cách quảng bá khóa học online của bạn: từ viết blog chuyên nghiệp, tạo landing page bắt mắt, chạy chiến dịch TTLK tiết kiệm đến làm SEO hiệu quả.

Tất cả 4 cách trên đều mang lại lợi ích bền vững dù bạn sẽ mất khá nhiều thời gian. Nhưng nếu kiên trì, thành quả sẽ không phụ bạn. Chắc chắn website bán khóa học online của bạn sẽ ngày càng nổi tiếng cũng như bạn sẽ có nhiều học viên.

Phần 2 sẽ tập trung vào phương pháp mang tính trao đổi trực tiếp với học viên hơn, thông qua email và các kênh truyền thông xã hội (social media).

Xem phần 2: Cách quảng bá khóa học online toàn tập (P2) – Social Media và Email Marketing