5 yếu tố quyết định doanh số khóa học online

Dạy học trực tuyến không được trả lương cứng hoặc bảo đảm một số lượng học viên tiềm năng như khi đi dạy trong trường. Thu nhập của bạn hoàn toàn của bạn phụ thuộc vào năng lực, cố gắng của bản thân, kèm một chút kiến thức kinh doanh, quảng bá.

Sau đây là 5 yếu tố quyết định đến doanh số khóa học online mà bạn cần chú ý để giúp kiếm được một lượng học viên và nguồn thu nhập không ngừng gia tăng.

1. Khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường

Một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến doanh thu của một khóa học online trên trang web dạy học trực tuyến chính là khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với những nội dung phổ biến, có nhu cầu học tập cao, doanh số có xu hướng tăng trưởng tốt. Những chủ đề phổ biến và theo trend, như lập trình, nuôi dạy con, hoặc tập yoga… sẽ có lượng học viên đông đảo nhất. Đây là lợi thế dành cho những ai có kiến thức về các lĩnh vực này.

Xem thêm: Top 20 nội dung khóa học online được mua nhiều nhất

Ngược lại, đối với những chủ đề kén người học, nhu cầu thị trường thấp thì doanh số có xu hướng tăng trưởng kém hoặc không tăng. Đây là quy luật khắc nghiệt của thị trường, dù bạn có cố gắng đến mức nào thì khóa học của bạn cũng khó có thể hấp dẫn bằng các khóa có nội dung “hot” hơn.

Tuy nhiên, đừng nản chí!

Bởi lẽ, doanh số của một khóa học online không được quyết định chỉ bởi 1 yếu tố. Thậm chí cả khi có ít người học, bạn vẫn có thể thu hút được nhiều học viên, ổn định và phát triển doanh số bằng những phương pháp khác.

2. Chất lượng khóa học

Có rất nhiều yếu tố giúp doanh số khóa học online vượt qua khỏi quy luật cung-cầu của thị trường, một trong số đó chính là chất lượng của khóa học. Yếu tố này lại phụ thuộc hầu hết vào chính bạn, đòi hỏi bạn phải kiên trì, bền bỉ, không ngừng nỗ lực để đạt được và cải thiện.

Khi nói về chất lượng của một khóa học, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải nói tới chính là độ hữu ích. Một buổi học được xem là chất lượng khi nó có ích cho người học, cung cấp đúng kiến thức cần thiết giúp họ giải quyết những vấn đề của mình.

Khóa học cần mang đến sự hữu ích cho học viên.

Thực tế thì trong rất nhiều khóa học trực tuyến đang mọc lên như nấm ngày nay, có không ít các lớp kém chất lượng. Có những khóa học mà giảng viên dành hàng giờ để hứa hẹn về lợi ích của nó, những gì người học sẽ làm được, rồi dẫn dụ họ mua thêm các khóa học khác. Rất nhiều học viên đã mắc bẫy bởi những kiến thức dạy online thường mang tính trải nghiệm cá nhân, khó có một công cụ hoặc tổ chức nào kiểm duyệt được.

Vì vậy, để khóa học online của mình đạt chất lượng cao, bạn chỉ nên dạy những gì mình biết và đã thực sự làm qua, để cho nội dung bạn dạy là trung thực và chân thành nhất. Chỉ như vậy bạn mới thu hút được nhiều người học hơn, giữ họ ở lại lâu hơn cũng như là đạt được danh tiếng tích cực hơn. Từ đó, những người đã học khóa học chất lượng của bạn cũng sẵn sàng chia sẻ đến nhiều người hơn.

3. Giá cả hợp lý và cạnh tranh

Theo thống kê, giá cả chiếm đến 80% ảnh hưởng trong quyết định mua hàng của người dùng. Vì thế, việc có một giá khóa học hợp lý và cạnh tranh sẽ giúp ích cho bạn trong việc tăng doanh thu.

Hợp lý

Hợp lý tức là giá khóa học phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nhóm đối tượng học viên. Tất nhiên giá của khóa học còn phụ thuộc vào độ chuyên sâu và công sức bỏ ra của người dạy. Tuy nhiên, nếu nó vượt qua khỏi điều kiện của người dùng thì cũng rất khó mà bán được.

Ví dụ: Nếu bạn dạy khởi nghiệp và nhắm đối tượng khách hàng là sinh viên mới ra trường, bạn không nên lấy phí quá đắt bởi sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, đôi khi lại còn nợ học phí. Vì vậy, dù có muốn họ cũng không đủ điều kiện theo học. Thay vào đó, hãy lấy giá rẻ một chút để tạo điều kiện cho họ. Khi họ áp dụng kiến thức của bạn và thấy hiệu quả, họ sẽ quay lại để học thêm các khóa học khác, hoặc giới thiệu cho nhiều sinh viên hơn.

Cạnh tranh

Nếu khóa học của bạn có độ hữu ích giống các khóa khác, nhưng giá thành lại rẻ hơn, thì sẽ hấp dẫn hơn đối với người học. Bạn có thể chịu giảm số lợi nhuận trên mỗi khóa học. Nhưng bù lại, bạn sẽ có một lượng học viên đông hơn. Đây là kiểu kinh doanh nhắm vào số lượng.

Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên giảm giá có chừng mực, đừng “phá giá”.

Vì nếu làm vậy, bạn sẽ làm giảm đi lợi ích đáng có cho công sức bỏ ra cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến những người dạy khác và cả thị trường học tập online. Thêm vào đó, việc giá thành quá thấp khiến người học nghi ngờ về công sức và sự hữu dụng của kiến thức bạn dạy, khiến họ càng ngần ngại đăng ký học hơn.

Có lẽ bạn quan tâm: Tất cả những gì cần biết về cách định giá khóa học online.

4. Độ nổi tiếng – Thương hiệu

Khi đang tìm một lớp học trực tuyến, học viên có xu hướng tin tưởng và chọn mua khóa học của “thầy A trường chuyên XYZ” hoặc “cô B có 10 năm kinh nghiệm giảng dạy”, .v.v…Cụ thể hơn, chắc chắn các lớp học luyện thanh, học hát online của ca sĩ Lương Bằng Quang có số lượng học viên đông đảo hơn các khóa cùng chủ đề của người khác.

Khóa học online của ca sĩ Lương Bằng Quang có nhiều người theo học và đánh giá cao. Có thể thấy, nếu bạn có được danh tiếng dạy học hoặc làm việc ở ngoài đời, bạn sẽ dễ dàng được nhiều học viên tin tưởng và học online hơn. Đó thực sự là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng nếu chưa nổi tiếng, chưa có thương hiệu. Bạn có thể xây dựng nó ngay từ bây giờ.

Xem thêm: Cách xây dựng thương hiệu cá nhân: từ kẻ vô danh thành người nổi tiếng.

5. Tính lan tỏa

Theo khảo sát, có hơn 80% người dùng cho biết quyết định mua hàng của mình bị ảnh hưởng bởi các bài viết chia sẻ bởi bạn bè trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, .v.v… Đây là sức mạnh của tính lan tỏa.

Bất kể bạn vận dụng phương pháp marketing nào – SEO website tổng thể, email marketing, live-chat, hay quảng cáo, hãy khiến khách hàng muốn chia sẻ các khóa học của bạn đến nhiều người hơn.

Yếu tố giúp bạn lan tỏa thương hiệu khóa học thành công là cung cấp nội dung marketing chạm đúng vấn đề của người học. Tôi thấy rất nhiều người sử dụng marketing như một công cụ liệt kê các tính năng, sản phẩm cho khách hàng xem. Trong hầu hết các trường hợp, những nội dung đó không chạm được đến trái tim của họ, khiến cho việc khuyến khích chia sẻ thất bại.

Hãy khiến khách hàng chia sẻ các khóa học của bạn nhiều hơn. Để nội dung marketing khuyến khích người xem chia sẻ, bạn cần phải nắm được nhu cầu của đối tượng học viên tiềm năng. Nhu cầu đó bao gồm những nhu cầu nhìn thấy được và những nhu cầu cần tinh tế xem xét mới thấy được.

Ví dụ 1: thay vì lan man nói về những kỹ năng đàn piano mà bạn sẽ dạy, thì hãy nói cho người học biết có sẽ có thể đàn được 1 bài nào đó mà bạn cho rằng đa số người học piano sẽ thích sau khi kết thúc khóa học.

Ví dụ 2: Thay vì dông dài về chứng chỉ hay cơ hội du học, hãy nói với học viên về khả năng tự tin bắt chuyện với một chàng trai, cô gái nước ngoài nào đó mà họ thích sau khi hoàn thành khóa học ngoại ngữ.

Những khóa học có tính lan tỏa cao là những khóa học hứa hẹn giải quyết vấn đề cấp thiết nhất, hoặc đánh đúng vào tâm lý của đối tượng học viên. Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết marketing cá nhân hóa trong thời đại ngày nay.

Để marketing cá nhân hóa, bạn cần thay đổi nội dung marketing, thay đổi cách thức tiếp cận đối với từng học viên cụ thể. Làm như vậy để mỗi học viên sẽ được tiếp nhận các nội dung liên quan mật thiết tới nhu cầu và sở thích của mình, cảm thấy mình được quan tâm và giới thiệu những nội dung bổ ích hơn.

Xem thêm: Marketing cá nhân hóa – Khách sẽ mua khi thấy được quan tâm.

Kết luận

Trên đây là 5 yếu tố quyết định doanh số khóa học online nổi bật nhất. Trong đó, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường là một yếu tố khá khách quan, khó thay đổi được. Tuy nhiên 4 yếu tố còn lại đều có thể cải thiện bằng công sức và tâm huyết của bạn. Chỉ cần nỗ lực không ngừng và áp dụng những phương pháp đúng đắn, khóa học online và thương hiệu cá nhân của bạn sẽ trở nên phổ biến trong một tương lai không xa.